Cho hàm số f(M)=f(x,y,z) xác định trên mặt cong S.
+ Chia mặt trong S thành n mảnh không dẫm lên nhau, gọi tên và diện tích của mảnh thứ i là \( \Delta {{S}_{i}},\,\,i=\overline{1,n} \) và kí hiệu đường kính của mảnh thứ i là \( {{d}_{i}},\,\,i=\overline{1,n} \).
+ Lấy tùy ý \( {{M}_{i}}({{x}_{i}},{{y}_{i}},{{z}_{i}})\in \Delta {{S}_{i}},\,\,i=\overline{1,n} \).
+ Lập tổng \( {{I}_{n}}=\sum\limits_{i=1}^{n}{f({{M}_{i}})\Delta {{S}_{i}}} \) gọi là tổng tích phân mặt loại một ứng với một cách chia mặt cong S và một cách chọn \( {{M}_{i}}\in \Delta {{S}_{i}},\,\,i=\overline{1,n} \).
Nếu khi \( n\to \infty \) sao cho \( \max {{d}_{i}}\to 0 \) mà In hội tụ về số I không phụ thuộc chia mặt cong S và cách lấy điểm \( {{M}_{i}}\in \Delta {{S}_{i}},\,\,i=\overline{1,n} \) thì số I gọi là tích phân mặt loại một của f(M) trên mặt cong S kí hiệu \( \iint\limits_{S}{f(x,y,z)dS} \).
Như vậy \( \iint\limits_{S}{f(x,y,z)dS}=\underset{\max {{d}_{i}}\to 0}{\mathop{\lim }}\,\sum\limits_{i=1}^{n}{f({{x}_{i}},{{y}_{i}},{{z}_{i}})\Delta {{S}_{i}}}\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,(3.26) \)
+ Chú ý:
(a) Từ định nghĩa ta thấy công thức tính diện tích mặt cong S nhờ vào tích phân mặt loại một:
\( S=\iint\limits_{S}{dS}\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,(3.27) \)
(b) Nếu S là mặt cong vật chất có hàm mật độ khối lượng là \( \rho (x,y,z) \) thì khối lượng của mặt cong vật chất đó sẽ là:
\( m=\iint\limits_{S}{\rho (x,y,z)dS}\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,(3.28) \)
(c) Người ta đã chứng minh được rằng: Nếu mặt cong S trơn (mặt cong S có pháp tuyến biến thiên liên tục) hoặc là trơn từng mảnh (chia S thành hữu hạn các mặt cong trơn) và hàm số f(x,y,z) liên tục hoặc liên tục từng mảnh trên mặt cong S thì tồn tại tích phân mặt loại một của hàm số đó trên S.
(d) Tương tự, tích phân mặt loại một có các tính chất giống như tích phân kép.
Định lí 3.5: Giả sử hàm số f(x,y,z) liên tục trên mặt cong S trơn cho bởi phương trình \( z=z(x,y),\,\,(x,y)\in D \). Khi đó: \( \iint\limits_{S}{f(x,y,z)dS}=\iint\limits_{D}{f(x,y,z(x,y))}\sqrt{1+{z’}_{x}^{2}(x,y)+{z’}_{y}^{2}(x,y)}dxdy\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,(3.29) \)
Chứng minh: Trước hết, ta thừa nhận các kết quả sau:
Nếu mặt cong S cho bởi phương trình \( F(x,y,z)=0 \) thì các cosin chỉ phương cùa vectơ pháp tuyến tại M(x,y,z) được tính theo công thức:
\(\cos \alpha =\pm \frac{{{{{F’}}}_{x}}}{\sqrt{{F’}_{x}^{2}+{F’}_{y}^{2}+{F’}_{z}^{2}}},\,\,\cos \beta =\pm \frac{{{{{F’}}}_{y}}}{\sqrt{{F’}_{x}^{2}+{F’}_{y}^{2}+{F’}_{z}^{2}}},\,\,\cos \gamma =\pm \frac{{{{{F’}}}_{z}}}{\sqrt{{F’}_{x}^{2}+{F’}_{y}^{2}+{F’}_{z}^{2}}}\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,(3.30)\)
Trong công thức (3.30), \( \alpha ,\beta ,\gamma \) là góc lập bởi vectơ pháp tuyến của mặt cong S tại M(x,y,z) với các trục tọa độ Ox, Oy, Oz (H.3.13).
Do đó nếu mặt cong S cho bởi phương trình \( z=z(x,y),\,\,(x,y)\in D \) thì các cosin chỉ phương của vectơ pháp tuyến sẽ là:
\( \cos \alpha =\pm \frac{{{{{z’}}}_{x}}}{\sqrt{1+{z’}_{x}^{2}+{z’}_{y}^{2}}};\,\,\cos \beta =\pm \frac{{{{{z’}}}_{y}}}{\sqrt{1+{z’}_{x}^{2}+{z’}_{y}^{2}}};\,\,\cos \gamma =\pm \frac{1}{\sqrt{1+{z’}_{x}^{2}+{z’}_{y}^{2}}}\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,(3.31) \)
Khi vectơ pháp tuyến \( \vec{n} \) xác định thì góc \( \alpha ,\beta ,\gamma \) xác định và như vậy trong các công thức trên chỉ có dấu “+” hoặc dấu “-”. Bây giờ ta chia S thành n mảnh nhỏ \( \Delta {{S}_{i}},\,\,i=\overline{1,n} \), tương ứng nhận được n hình chiếu các mảnh đó trên mặt phẳng Oxy là \( \Delta {{D}_{i}},\,\,i=\overline{1,n} \). Nghĩa là ta đã gián tiếp chia miền D, hình chiếu của mặt cong S trên mặt Oxy, làm n phần \( \Delta {{D}_{i}} \) (H.3.14).
Lấy tùy ý \( {{M}_{i}}({{x}_{i}},{{y}_{i}},{{z}_{i}})\in \Delta {{S}_{i}} \) và dựng tiếp diện \( {{T}_{i}}({{M}_{i}}) \) của mặt S tại \( {{M}_{i}} \) (mặt phẳng vuông góc với pháp tuyến \( \vec{n} \) tại Mi hay là mặt phẳng tiếp xúc với mặt S tại Mi).
Gọi \( \Delta {{T}_{i}} \) là mảnh của tiếp diện có hình chiếu trên Oxy trùng với mảnh \( \Delta {{D}_{i}} \). Với đường kính của \( \Delta {{S}_{i}} \) khá nhỏ thì diện tích mảnh \( \Delta {{T}_{i}} \) xấp xỉ diện tích mảnh \( \Delta {{S}_{i}} \) và rõ ràng \( \Delta {{S}_{i}}\approx \frac{\Delta {{D}_{i}}}{\left| \cos {{\gamma }_{i}} \right|} \), theo công thức (3.31) nhận được:
\( {{I}_{n}}=\sum\limits_{i=1}^{n}{f({{M}_{i}})\Delta {{S}_{i}}}\approx \sum\limits_{i=1}^{n}{f({{x}_{i}},{{y}_{i}},{{z}_{i}})\sqrt{1+{z’}_{x}^{2}+{z’}_{y}^{2}}\cdot \Delta {{D}_{i}}} \)
Vế phải chính là tổng tích phân kép lấy trên miền D của hàm số: \( f(x,y,z(x,y))\sqrt{1+{z’}_{x}^{2}+{z’}_{y}^{2}} \).
Vậy công thức tính tích phân mặt loại một khi mặt cong S cho dưới dạng hiện \( z=z(x,y),\,\,(x,y)\in D \) được cho bởi công thức (3.29).
Chú ý:
(a) Nếu mặt cong S cho bởi phương trình \( y=y(z,x) \) hoặc \( x=x(y,z) \) thì ta phải chiếu S lên mặt phẳng Ozx hoặc Oyz để tìm miền tính tích phân kép tương ứng.
(b) Nếu mặt cong kín, ta phải chia thành hữu hạn các phần thỏa mãn định lí trên, sau đó áp dụng công thức (3.29).
Ví dụ. Tính diện tích phần phia trên mặt cầu \( {{x}^{2}}+{{y}^{2}}+{{z}^{2}}=4{{a}^{2}} \) nằm trong hình trụ \( {{x}^{2}}+{{y}^{2}}\le 2ay,\,\,a>0 \).
Hướng dẫn giải:
Xem hình H.3.15
Do tính đối xứng, ta chỉ cần tính diện tích một phần hai của phần mặt cầu trên. Phần mặt cầu trên có phương trình: \( z=\sqrt{4{{a}^{2}}-{{x}^{2}}-{{y}^{2}}} \).
Hình chiếu trên mặt Oxy là nửa hình tròn D có bất phương trình: \( {{x}^{2}}+{{(y-a)}^{2}}\le {{a}^{2}},\,\,x\ge 0 \).
Vậy: \( S=\iint\limits_{S}{dS}=2\iint\limits_{D}{\sqrt{1+{z’}_{x}^{2}+{z’}_{y}^{2}}dxdy} \).
\( {z’}_{x}^{2}=\frac{{{x}^{2}}}{4{{a}^{2}}-{{x}^{2}}-{{y}^{2}}},\,\,{z’}_{y}^{2}=\frac{{{y}^{2}}}{4{{a}^{2}}-{{x}^{2}}-{{y}^{2}}} \)
\( S=2\iint\limits_{D}{\frac{2a}{\sqrt{4{{a}^{2}}-{{x}^{2}}-{{y}^{2}}}}dxdy} \).
Chuyển sang tọa độ cực ta được:
\( S=4a\int\limits_{0}^{\frac{\pi }{2}}{d\varphi }\int\limits_{0}^{2a\sin \varphi }{\frac{r}{\sqrt{4{{a}^{2}}-{{r}^{2}}}}dr}=-2a\int\limits_{0}^{\frac{\pi }{2}}{d\varphi }\int\limits_{0}^{2a\sin \varphi }{\frac{1}{\sqrt{4{{a}^{2}}-{{r}^{2}}}}d(-{{r}^{2}})} \)
\( =-4a\int\limits_{0}^{\frac{\pi }{2}}{\left. \sqrt{4{{a}^{2}}-{{r}^{2}}} \right|_{0}^{2a\sin \varphi }dx}=4a\int\limits_{0}^{\frac{\pi }{2}}{(2a-2a\cos \varphi )d\varphi }=8{{a}^{2}}\left( \frac{\pi }{2}-\left. \sin \varphi \right|_{0}^{\frac{\pi }{2}} \right)=8{{a}^{2}}\left( \frac{\pi }{2}-1 \right) \).
Trong quá trình đăng tải bài viết lên website không thể tránh khỏi việc sai sót, nên bạn đọc muốn xem đầy đủ các dạng bài tập giải chi tiết hãy vui lòng mua sách Giải bài tập Giải Tích 2!
Bài Giảng Toán Cao Cấp được xây dựng trên WordPress