2.2.2. Công thức tính tích phân kép trong tọa độ cực

Trước khi đưa ra công thức tính tích phân kép trong tọa độ cực, ta thừa nhận định lí sau liên quan đến phép đổi biến tích phân kép.

Định lí 2.2: Giả sử  \( f(x,y) \) liên tục trên miền  \( D\subset Oxy \) đồng thời tồn tại các hàm số  \( \left\{ \begin{align}  & x=x(u,v) \\  & y=y(u,v) \\ \end{align} \right. \) thỏa mãn:

+ là song ánh từ D lên  \( \Delta  \).

+ Có đạo hàm riêng liên tục trong miền  \( \Delta \subset Ouv \) và định thức Jacobi  \( \frac{D(x,y)}{D(u,v)}\ne 0 \) trong miền  \( \Delta \)  (hoặc chỉ bằng 0 ở một số điểm cô lập) khi đó:  \( \iint\limits_{D}{f(x,y)dxdy}=\iint\limits_{\Delta }{f\left[ x(u,v),\,y(u,v) \right]\cdot \left| \frac{D(x,y)}{D(u,v)} \right|dudv}\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,(2.13) \)

a) Hệ tọa độ cực

Để xác định vị trí của các điểm trong mặt phẳng, ngoài hệ tọa độ Descartes, người ta còn dùng hệ tọa độ cực được định nghĩa như sau: chọn điểm O tùy ý gọi là cực và một trục Ox gọi là trục cực. Vị trí của điểm M bất kì được xác định bởi hai số: góc  \( \varphi  \) giữa trục Ox và vectơ  \( \overrightarrow{OM} \) gọi là góc cực và  \( r=\overrightarrow{OM} \) gọi là bán kính vectơ. Cặp  \( (r,\varphi ) \) gọi là tọa độ cực của M và kí hiệu  \( M(r,\varphi ) \). Tất cả các điểm trên mặt phẳng sẽ ứng với  \( \varphi  \) biến thiên từ 0 đến  \( 2\pi  \) hoặc  \( \varphi \)  biến thiên từ  \( -2\pi  \) đến 0 và r biến thiên từ 0 đến  \( \infty \) .

Nếu chọn hệ trục tọa độ Descartes Oxy tức là O trùng với cực, trục hoành trùng với trục cực thì ta nhận được liên hệ sau đây giữa các tọa độ Descartes và tọa độ của điểm M (xem H.2.8):

 \( \left\{ \begin{align}  & x=r\cos \varphi  \\  & y=r\sin \varphi  \\ \end{align} \right. \) và ngược lại:  \( \left\{ \begin{align}  & r=\sqrt{{{x}^{2}}+{{y}^{2}}} \\  & \tan \varphi =\frac{y}{x} \\ \end{align} \right. \), x cùng dấu với  \( \cos \varphi  \) hoặc y cùng dấu với  \( \sin \varphi  \).

b) Phương trình đường cong trong hệ tọa độ cực

Hệ thức  \( F(r,\varphi )=0 \) hoặc  \( r=r(\varphi ) \) hay  \( \varphi =\varphi (r) \) gọi là phương trình đường cong trong tọa độ cực, chẳng hạn  \( r=a \) là phương trình đường tròn bán kính bằng a và tâm ở gốc tọa độ,  \( \varphi ={{\varphi }_{0}} \) là phương trình nửa đường thẳng xuất phát từ gốc tọa độ và lập với trục cực một góc là  \( {{\varphi }_{0}} \).

c) Công thức tích phân kép trong tọa độ cực

Ta thực hiện phép đổi biến số:  \( \left\{ \begin{align}  & x=r\cos \varphi  \\  & y=r\sin \varphi  \\ \end{align} \right. \).

Do đó:  \( \frac{D(x,y)}{D(r,\varphi )}=\left| \begin{matrix}  \cos \varphi  & -r\sin \varphi   \\   \sin \varphi  & r\cos \varphi   \\\end{matrix} \right|=r \).

Từ công thức (2.13) suy ra:  \( \iint\limits_{D}{f(x,y)dxdy}=\iint\limits_{\Delta }{f(r\cos \varphi ,r\sin \varphi )rdrd\varphi }\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,(2.14) \)

Thường gặp miền  \( \Delta  \) được gh bởi hai tia  \( \varphi ={{\varphi }_{1}},\,\,\varphi ={{\varphi }_{2}} \) và đường cong  \( r={{r}_{1}}(\varphi ),\,\,r={{r}_{2}}(\varphi ) \) (H.2.9), tức là trong hệ tọa độ cực, miền D được mô tả bởi hệ bất phương trình:  \( D:\left\{ \begin{align} & {{\varphi }_{1}}\le \varphi \le {{\varphi }_{2}} \\  & {{r}_{1}}(\varphi )\le r\le {{r}_{2}}(\varphi ) \\ \end{align} \right. \).

Khi đó công thức (2.15) sẽ có dạng:  \( \iint\limits_{D}{f(x,y)dxdy}=\int\limits_{{{\varphi }_{1}}}^{{{\varphi }_{2}}}{d\varphi }\int\limits_{{{r}_{1}}(\varphi )}^{{{r}_{2}}(\varphi )}{f(r\cos \varphi ,r\sin \varphi )rdr}\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,(2.15) \)

+ Chú ý:

– Mối quan hệ giữa các định thức Jacobi của phép biến đổi thỏa mãn  \( \frac{D(x,y)}{D(u,v)}\cdot \frac{D(u,v)}{D(x,y)}=1 \).

– Nếu cực là điểm trong của miền D và mọi bán kính cực cắt biên miền D tại điểm có bán kính  \( r(\varphi ) \) thì

 \( \iint\limits_{D}{f(x,y)dxdy}=\int\limits_{0}^{2\pi }{d\varphi }\int\limits_{0}^{r(\varphi )}{f(r\cos \varphi ,r\sin \varphi )rdr} \).

Nhận Dạy Kèm môn Giải Tích 2 - Calculus II Online qua ứng dụng Zoom, Google Meet,...

Ví dụ 1.  Tính \( \iint\limits_{D}{x\sqrt{{{x}^{2}}+{{y}^{2}}}dxdy}=I \), trong đó D là hình tròn  \( {{(x-R)}^{2}}+{{y}^{2}}\le {{R}^{2}} \).

Hướng dẫn giải:

Đường tròn  \( {{(x-R)}^{2}}+{{y}^{2}}={{R}^{2}} \) chuyển tọa độ cực có phương trình:

 \( {{(r\cos \varphi -R)}^{2}}+{{r}^{2}}{{\sin }^{2}}\varphi ={{R}^{2}} \) hay  \( r=2R\cos \varphi ,\,\,-\frac{\pi }{2}\le \varphi \le \frac{\pi }{2} \).

Tương tự đường tròn  \( {{x}^{2}}+{{(y-R)}^{2}}={{R}^{2}} \) chuyển sang tọa độ cực có phương trình  \( r=2R\sin \varphi ,\,\,0\le \varphi \le \pi \)  (H.2.10)

Vậy miền D trong hệ tọa độ cực được mô tả:  \( \left\{ \begin{align}  & -\frac{\pi }{2}\le \varphi \le \frac{\pi }{2} \\  & 0\le r\le 2R\cos \varphi  \\ \end{align} \right. \).

Theo công thức (2.15) sẽ có:

 \( I=\int\limits_{-\frac{\pi }{2}}^{\frac{\pi }{2}}{d\varphi }\int\limits_{0}^{2R\cos \varphi }{r\cos \varphi \cdot r\cdot rdr}=\int\limits_{-\frac{\pi }{2}}^{\frac{\pi }{2}}{\cos \varphi \cdot \frac{1}{4}\left. {{r}^{2}} \right|_{0}^{2R\cos \varphi }d\varphi }=8{{R}^{4}}\int\limits_{0}^{\frac{\pi }{2}}{{{\cos }^{5}}\varphi d\varphi }=8{{R}^{4}}\frac{4!!}{5!!}=8{{R}^{4}}\cdot \frac{2\cdot 4}{3\cdot 5}=\frac{64{{R}^{4}}}{15} \)

(Xem công thức Wallis)

Sách Giải Bài Tập Giải Tích 2

Ví dụ 2. Tính \( I=\iint\limits_{D}{(x+y)dxdy} \) trong đó D là miền giới hạn bởi các đường thẳng:

\( y=-x,\,\,y=-x+3,\,\,y=2x-1,\,\,y=2x+1 \).

Hướng dẫn giải:

Phương trình các đường thẳng tạo ra miền D viết lại dưới dạng:

 \( x+y=0,\,\,x+y=3,\,\,2x-y=1,\,\,2x-y=-1 \) (xem H.2.11)

Đổi biến  \( \left\{ \begin{align}& u=x+y \\  & v=2x-y \\ \end{align} \right. \), khi đó  \( \frac{D(u,v)}{D(x,y)}=\left| \begin{matrix}   1 & 1  \\   2 & -1  \\\end{matrix} \right|=-3 \).

 \( \Delta :\left\{ \begin{align}  & 0\le u\le 3 \\  & -1\le v\le 1 \\ \end{align} \right. \).

Suy ra  \( I=\iint\limits_{\Delta }{u\cdot \left| -\frac{1}{3} \right|dudv}=\frac{1}{3}\int\limits_{0}^{3}{udu}\cdot \int\limits_{-1}^{1}{dv}=\frac{2}{3}\left. \cdot \frac{{{u}^{2}}}{2} \right|_{0}^{3}=3 \).

Nhận xét: Nếu giải ví dụ trên bằng cách trực tiếp dùng công thức tính tích phân kép trong hệ tọa độ Descartes thì phải chia miền D thành các miền thành phần rồi áp dụng tính chất a) của  tích phân kép. Như vậy sẽ phức tạp hơn. Ta có thể kiểm tra lại kết quả bằng cách dùng công thức (2.10) hoặc (2.11).

 

Trong quá trình đăng tải bài viết lên website không thể tránh khỏi việc sai sót, nên bạn đọc muốn xem đầy đủ các dạng bài tập giải chi tiết hãy vui lòng mua sách Giải bài tập Giải Tích 2!

Các bài viết cùng chủ đề!

Các Sách Giải Bài Tập - Đề Thi do Trung tâm phát hành!


Menu