3.3. Công thức Green

Giả sử D là miền liên thông, bị chặn có biên là L gồm một hay nhiều đường cong kín trơn hoặc trơn từng khúc. Sau đây ta sẽ đưa ra công thức liên hệ giữa tích phân đường loại hai dọc theo L và tích phân bội hai trên miền D có tính chất đã nêu ra.

Định lí 3.3. Cho các hàm số  \( P(x,y),\,\,Q(x,y) \) liên tục cùng các đạo hàm riêng cấp một trong miền D có biên là đường L, khi đó:

 \( \iint\limits_{D}{\left( \frac{\partial Q}{\partial x}-\frac{\partial P}{\partial y} \right)dxdy}=\oint\limits_{{{L}^{+}}}{Pdx+Qdy}\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,\,(3.20) \)

Nhận Dạy Kèm môn Giải Tích 2 - Calculus II Online qua ứng dụng Zoom, Google Meet,...

Chứng minh:

(a) Trước hết xét miền D đơn liên và đơn giản theo nghĩa nó được mô tả bởi hệ bất phương trình: (Xem H.3.5)

 \( \left\{ \begin{align}  & a\le x\le b \\  & {{y}_{1}}(x)\le y\le {{y}_{2}}(x) \\ \end{align} \right. \) hoặc  \( \left\{ \begin{align}  & c\le y\le d \\  & {{x}_{1}}(y)\le x\le {{x}_{2}}(y) \\ \end{align} \right. \)

\(L=\overset\frown{AB}\cup \overset\frown{BC}\cup \overset\frown{CA}\)

\(\overset\frown{CA}\) có phương trình:  \( y={{y}_{1}}(x),\,\,a\le x\le b \)

 \( \overset\frown{BC} \) có phương trình  \( x=b,\,\,{{y}_{1}}(b)\le y\le {{y}_{2}}(b) \)

 \( \overset\frown{AB} \) có phương trình  \( y={{y}_{2}}(x),\,\,a\le x\le b \)

Theo công thức tính tích phân kép ta có:

 \( \iint\limits_{D}{\frac{\partial P}{\partial y}dxdy}=\int\limits_{a}^{b}{dx}\int\limits_{{{y}_{1}}(x)}^{{{y}_{2}}(x)}{\frac{\partial P}{\partial y}dy}=\int\limits_{a}^{b}{\left. P(x,y) \right|_{{{y}_{1}}(x)}^{{{y}_{2}}(x)}dx}=\int\limits_{a}^{b}{P(x,{{y}_{2}}(x))dx}-\int\limits_{a}^{b}{P(x,{{y}_{1}}(x))dx} \).

Theo công thức tính tích phân đường loại hai (3.18) và chú ý (a), ta có:

 \( \int\limits_{a}^{b}{P(x,{{y}_{2}}(x))dx}=\int\limits_{\overset\frown{AB}}{P(x,y)dx},\,\,\int\limits_{a}^{b}{P(x,{{y}_{1}}(x))dx}=\int\limits_{\overset\frown{AC}}{P(x,y)dx} \),

suy ra  \( \iint\limits_{D}{\frac{\partial P}{\partial y}dxdy}=\int\limits_{\overset\frown{AB}}{P(x,y)dx}+\int\limits_{\overset\frown{CA}}{P(x,y)dx} \).

Mặt khác:  \( \int\limits_{\overset\frown{BC}}{P(x,y)dx}=0 \) vì  \( \overset\frown{BC} \) có phương trình x=b nên dx=0.

Vậy  \( \iint\limits_{D}{\frac{\partial P}{\partial y}dxdy}=\int\limits_{\overset\frown{AB}}{P(x,y)dx}+\int\limits_{\overset\frown{BC}}{P(x,y)dx}+\int\limits_{\overset\frown{AC}}{P(x,y)dx}=\oint\limits_{L}{P(x,y)dx} \).

Tượng tự, ta có:  \( \iint\limits_{D}{\frac{\partial Q}{\partial x}dxdy}=\oint\limits_{L}{Q(x,y)dy} \).

Từ các kết quả này suy ra công thức Green (3.20)

(b) Xét D là miền đơn liên bất kỳ (H.3.6). Ta luôn có thể phân hoạch miền D thành hữu hạn các miền đơn giản, chẳng hạn có thể chia D thành 3 miền có chung biên là đoạn AB và BC. Theo tính chất của tích phân bội hai và kết quả đã chứng minh phần trên, ta có:

 \( \iint\limits_{D}{\left( \frac{\partial Q}{\partial x}-\frac{\partial P}{\partial y} \right)dxdy}=\iint\limits_{{{D}_{1}}}{{}}+\iint\limits_{{{D}_{2}}}{{}}+\iint\limits_{{{D}_{3}}}{{}} \)

 \( \iint\limits_{{{D}_{1}}}{\left( \frac{\partial Q}{\partial x}-\frac{\partial P}{\partial y} \right)dxdy}=\int\limits_{\overset\frown{AB}}{Pdx+Qdy}+\int\limits_{\overset\frown{BC}}{Pdx+Qdy}+\int\limits_{\overset\frown{CmA}}{Pdx+Qdy} \)

 \( \iint\limits_{{{D}_{2}}}{\left( \frac{\partial Q}{\partial x}-\frac{\partial P}{\partial y} \right)dxdy}=\int\limits_{\overset\frown{CB}}{Pdx+Qdy}+\int\limits_{\overset\frown{BpC}}{Pdx+Qdy} \)

 \( \iint\limits_{{{D}_{3}}}{\left( \frac{\partial Q}{\partial x}-\frac{\partial P}{\partial y} \right)dxdy}=\int\limits_{\overset\frown{BA}}{Pdx+Qdy}+\int\limits_{\overset\frown{AnB}}{Pdx+Qdy} \).

Cộng các vế với các hệ thức trên và để ý đến chú ý (a) của tích phân đường loại hai, ta nhận được công thức Green (3.20).

(c) Trường hợp D là miền đa liên, chẳng hạn D là miền nhị liên (H.2.7), biên L gồm hai đường L1 và L2 rời nhau. Ta có thể chia miền D thành 4 miền nhỏ. Áp dụng công thức Green cho cả 4 miền và sử dụng chú ý (a), ta cũng nhận được công thức (3.20). Trong trường hợp này cần lưu ý: Tích phân dọc theo L1 có hướng ngược chiều kim đồng hồ, còn tích phân dọc theo L2 có hướng thuận chiều kim đồng hồ. Như vậy tích phân  \( \oint\limits_{{{L}^{+}}}{Pdx+Qdy} \) đúng là lấy theo hướng dương của biên L như đã quy ước ở chú ý (d).

Chú ý: Công thức Green (3.20) cho ta công thức tính diện tích miền phẳng D nhờ vào tích phân đường loại hai như sau:

Lấy trong (3.20) các hàm  \( P(x,y)=-y \) và  \( Q(x,y)=x \) thì  \( \frac{\partial P}{\partial y}=-1,\,\,\frac{\partial Q}{\partial x}=1 \).

Suy ra:  \( S=\frac{1}{2}\oint\limits_{{{L}^{+}}}{xdy-ydx} \) trong đó S là diện tích miền D.           (3.21)

Sách Giải Bài Tập Giải Tích 2

Ví dụ 1. Tính diện tích ellipse với các bán trục a, b.

Hướng dẫn giải:

Có thể coi ellipse có phương trình  \( \frac{{{x}^{2}}}{{{a}^{2}}}+\frac{{{y}^{2}}}{{{b}^{2}}}=1 \) hay dạng tham số  \( x=a\cos t,\,\,y=b\sin t,\,\,0\le t\le 2\pi  \).

Áp dụng (3.21) có \(S=\frac{1}{2}\int\limits_{{{L}^{+}}}{xdy-ydx}=\frac{1}{2}\int\limits_{0}^{2\pi }{(ab{{\cos }^{2}}t+ab{{\sin }^{2}}t)dt}=\pi ab\).

Ví dụ 2. Tính \( \oint\limits_{{{L}^{+}}}{\left( x\arctan x+{{y}^{2}} \right)dx+\left( x+2xy+{{y}^{2}}{{e}^{-{{y}^{3}}}} \right)dy} \), L là biên nửa hình tròn cho bởi bất phương trình  \( {{x}^{2}}+{{y}^{2}}\le 2y,\,\,x\ge 0 \).

Hướng dẫn giải:

Đường L cho trên hình H.3.8 đó là biên của nửa hình tròn bán kính là 1. Đặt:

 \( \begin{align}  & P=x\arctan x+{{y}^{2}}\Rightarrow \frac{\partial P}{\partial y}=2y \\  & Q=x+2yx+{{y}^{2}}{{e}^{-{{y}^{3}}}}\Rightarrow \frac{\partial Q}{\partial x}=2y+1 \\ \end{align} \)

Vậy:  \( I=\iint\limits_{D}{\left( \frac{\partial Q}{\partial x}-\frac{\partial P}{\partial y} \right)dxdy}=\iint\limits_{D}{dxdy}=\frac{\pi }{2} \) (nửa diện tích hình tròn bán kính là 1).

Ví dụ 3. Tính \( J=\int\limits_{C}{\left( x\arctan x+{{y}^{2}} \right)dx+\left( x+2yx+{{y}^{2}}{{e}^{-{{y}^{3}}}} \right)dy} \) với C là nửa đường tròn bên phải đi từ gốc tọa độ đến A(0;2):  \( {{x}^{2}}+{{y}^{2}}=2y,\,\,x\ge 0 \).

Hướng dẫn giải:

Gọi L là đường cong gồm nửa đường tròn C và đoạn OA. Rõ ràng:

 \( I=J+\int\limits_{\overset\frown{AO}}{\left( x\arctan x+{{y}^{2}} \right)dx+\left( x+2yx+{{y}^{2}}{{e}^{-{{y}^{3}}}} \right)dy} \), trong đó I là tích phân của ví dụ ở trên.

Đoạn thẳng AO có phương trình  \( x=0,\,\,0\le y\le 2\Rightarrow dx=0 \).

Áp dụng công thức tính tích phân đường (3.19) ta có:

\(\int\limits_{\overset\frown{AO}}{\left( x\arctan x+{{y}^{2}} \right)dx+\left( x+2yx+{{y}^{2}}{{e}^{-{{y}^{3}}}} \right)dy}=\int\limits_{2}^{0}{{{y}^{2}}{{e}^{-{{y}^{3}}}}dy}=-\frac{1}{3}\int\limits_{2}^{0}{{{e}^{-{{y}^{3}}}}d(-{{y}^{3}})}=-\frac{1}{3}\left. {{e}^{-{{y}^{3}}}} \right|_{2}^{0}=\frac{1}{3}\left( \frac{1}{{{e}^{8}}}-1 \right)\).

Cuối cùng  \( J=\frac{\pi }{2}+\frac{1}{3}\left( 1-\frac{1}{{{e}^{8}}} \right) \).

Chú ý: Trong ví dụ trên ta đã thêm một đường thẳng thích hợp để áp dụng công thức Green, đương nhiên sau đó phải bớt đi tích phân lấy dọc theo đoạn thẳng đó (hay cộng với tích phân lấy theo hướng ngược lại). Nhiều bài toán phải làm như vậy bởi vì tính trực tiếp sẽ rất khó khăn.

Trong quá trình đăng tải bài viết lên website không thể tránh khỏi việc sai sót, nên bạn đọc muốn xem đầy đủ các dạng bài tập giải chi tiết hãy vui lòng mua sách Giải bài tập Giải Tích 2!

Các bài viết cùng chủ đề!

Các Sách Giải Bài Tập - Đề Thi do Trung tâm phát hành!


Menu